Làm rõ các khoản chi chăm sóc khách hàng tại đại án OceanBank
Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương đứng trước vành móng ngựa trong phiên xử ngày 28/8. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Hành vi trái quy định về trần lãi suất huy động vốn
Nhóm các bị cáo này bị Viện Kiểm sát truy tố về hành vi phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Cụ thể, đầu năm 2011, Hà Văn Thắm đã ra chủ trương về việc chi ngoài lãi suất huy động vốn cho các khách hàng trên toàn hệ thống OceanBank.
Theo chủ trương và chỉ đạo của Hà Văn Thắm, các bị cáo Nguyễn Minh Thu - Tổng Giám đốc, Lê Thị Thu Thủy và Nguyễn Thị Minh Phương là các Phó Tổng Giám đốc đã chỉ đạo lãnh đạo các khối, ban nghiệp vụ thuộc Hội sở Ngân hàng Đại Dương, gồm Nguyễn Thị Nga - Trưởng Ban kế toán, Vũ Thị Thùy Dương - Giám đốc Ban Kế toán và giao dịch trong nước, Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc Khối nguồn vốn, Nguyễn Thị Thu Ba - Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, Đỗ Đại Khôi Trang - Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, Nguyễn Xuân Thắng - Phó Giám đốc Khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược, Nguyễn Trà Mi - Phó Giám đốc Chi nhánh Thăng Long và 34 bị cáo là giám đốc của các chi nhánh, phòng giao dịch thực hiện chi lãi ngoài khi huy động vốn. Số tiền chi sai nói trên đã bị hạch toán trái quy định của Nhà nước.
Trả lời thẩm vấn trước tòa, bị cáo Lê Thị Thu Thủy khai đến năm 2012 mới biết về việc chi lãi ngoài.
Công việc của bị cáo cũng không liên quan đến huy động vốn mà chỉ liên quan đến hoạch toán chi tiền khi chủ trương, đàm phán đã diễn ra.
Bị cáo cũng không quan tâm đến việc khoản tiền chi có vượt trần hay không vì đấy không phải là mảng công việc của mình.
Bị cáo Nguyễn Thị Nga khai về chủ trương chi lãi ngoài, vào khoảng tháng 6/2011, OceanBank đã có chủ trương chi lãi ngoài. Bị cáo không tham gia họp bàn nhưng khi nhận lệnh chỉ đạo thì bị cáo mới biết được ngân hàng đang có hoạt động này.
Theo bị cáo Nga, với góc độ người làm kế toán, bị cáo không đủ thẩm quyền ngăn chặn sự việc gì. Bị cáo chỉ làm thế nào để kế toán đủ cơ sở để hoạch toán.
Về phần mình, bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba cho rằng, việc chi trả lãi ngoài là một phản ứng bắt buộc do yêu cầu của cung cầu thị trường, vì mục tiêu cân đối thanh khoản, cứu ngân hàng.
Bị cáo làm việc trong ngân hàng nên hiểu được hệ thống ngân hàng rơi vào mất thanh khoản như thế nào.
Bị cáo nhận thức được Oceabank chỉ là vi phạm hành chính của tổ chức tín dụng. Hành vi vi phạm hành chính là trách nhiệm của ban điều hành. Bị cáo chỉ là cấp dưới tổng hợp báo cáo, xác thực lại các khoản tiền.
Làm rõ các khoản chi chăm sóc khách hàng
Bị Hội đồng xét xử thẩm vấn về các khoản chi chăm sóc khách hàng, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng, thị trường lúc bấy giờ cần phải có khoản chăm sóc khách hàng.
Riêng khoản chi chăm sóc khách hàng khối dầu khí bị cáo chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn, cũng như chi phí lễ tết không quá 1%. Họ không đòi hỏi, tùy theo nhu cầu khách hàng.
Nói về kiểm tra tính hiệu quả của chi phí chăm sóc khách hàng, bị cáo Thắm đưa ra nhiều biện pháp để có thể kiểm tra, ví dụ như có thể xem hiệu quả của dòng tiền gửi về. Dựa vào điều này, Thắm cho rằng, việc sử dụng tiền chi chăm sóc khách hàng hiệu quả.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định trong thời gian từ năm 2010 đến ngày 31/11/2014, tổng số tiền OceanBank đã chi lãi ngoài hợp đồng cho các khách hàng gửi tiền là hơn 1.576 tỷ đồng.
Trong số tiền này có hơn 246 tỷ đồng được chi cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) theo yêu cầu của Sơn và bị Sơn chiếm đoạt.
Hành vi này của bị cáo Sơn đã bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.”
Trình bày trước Tòa, bị cáo Sơn cho biết trong giai đoạn 2009-2014 khi bị cáo làm Tổng Giám đốc OceanBank, bị cáo chỉ nhận khoảng hơn 69 tỷ đồng. Số tiền đó dùng để chăm sóc khách hàng và Sơn đã chi hết số tiền đó.
Đối với con số thống kê của cơ quan điều tra về số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng, Sơn khai không nhớ gì về những khoản chi đó nữa. Có những khoản tiền qua tay bị cáo, có khoản không qua tay.
Khi được hỏi số tiền đó chi cho những ai? Sơn nói đã chi cho các đơn vị khách hàng… Ngoài ra, còn hỗ trợ đồng bào lũ lụt, vùng khó khăn, xây tượng… Có những khoản Sơn chi thẳng lên lãnh đạo chủ yếu là vào dịp lễ tết.
Con số này mỗi năm 10 tỷ đồng, trong 5 năm là 50 tỷ đồng. Sơn phủ nhận việc nhận tiền để sử dụng cho cá nhân.
Hội đồng xét xử viện dẫn Luật Phòng chống tham nhũng cấm hành vi biếu quà từ 500.000 đồng trở lên, nhưng ở đây bị cáo lại biếu quà, chi lễ tết cho các lãnh đạo lên tới trên 200 triệu đồng… thì bị cáo Sơn cho rằng việc tặng quà lễ tết là truyền thống nhưng bị cơ chế thị trường làm méo mó đi. Đưa quà bé không ai đánh giá nhưng mình cảm thấy không tương xứng…
Ngày mai, Hội đồng xét xử tập trung thẩm vấn những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Coi thêm tại :
Làm rõ các khoản chi chăm sóc khách hàng tại đại án OceanBank
Nhận xét
Đăng nhận xét