ASEAN đe dọa vị thế thống lĩnh cảng biển của Singapore
Những ngày mà Singapore giữ trị trí số 1 về cảng biển đang chuẩn bị kết thúc.
Những ngày mà Singapore giữ trị trí số 1 về cảng biển đang chuẩn bị kết thúc.
Cảng Singapore từ lâu giữ vị thế dẫn đầu không thể tranh cãi trong vận tải biển ở Đông Nam Á, nhưng theo Nikkei điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai. Lưu lượng container qua cảng Singapore đang tăng trưởng chậm lại và các cảng ở các nước láng giếng như Indonesia và Malaysia đang ngày một gia tăng vị thế của mình.
Một động lực của sự thay đổi đó là khi các công ty muốn phân tán sản xuất ra khắp khu vực. Cuộc cạnh tranh này gợi nhớ cuộc chiến tương tự trong những năm 2000 giữa Hồng Kông và các cảng ở Trung Quốc Đại lục.
Cảng Tanjung Pelepas thuộc bang Johor của Malaysia đã nổi lên như một thách thức lớn đối với Singapore. Công ty vận hành cảng của Malaysia vào giữa tháng 11 thông báo đã lắp đặt bốn cần cẩu mới có chiều cao 55,5 mét. Đây là các cần cẩu cao nhất trong khu vực, giúp cho việc dỡ hàng có kích thước lớn từ các con tàu trở nên dễ dàng hơn.
Dàn cẩu cao nhất Đông Nam Á tại Cảng Tanjung Pelepas. Ảnh: Themalaysianreserve.com
Trong một tuyên bố, ông Dato Seri Che Khalib Mohamad Noh, chủ tịch của cảng, nói rằng cơ sở vật chất của cảng này là tiên tiến nhất trong khu vực.
Cảng Tanjung Pelepas, bắt đầu hoạt động vào năm 2000, đã vươn lên vị trí thứ 19 trên toàn thế giới về khối lượng giao thương container vào năm 2016, một phần là nhờ vị trí của nó chỉ cách Singapore một giờ đi xe, trung tâm thương mại chính của Đông Nam Á. Phí xử lý hàng hóa của cảng này cũng thấp hơn đáng kể so với Singapore. Theo một người quen thuộc với sự phát triển, giới vận tải biển ngày càng có xu hướng chuyển từ cảng Singapore sang cảng Malaysia.
Singapore từ lâu đã nắm giữ lợi thế lớn. Nằm trên tuyến vận tải biển quan trọng giữa châu Á và châu Âu, cảng Singapore đã tận dụng rất tốt lợi thế trên bằng việc xây dựng một hệ thống thông quan và chuyển tải có hiệu quả.
Các cảng đối thủ cạnh tranh đã từng không thể tiếp nhận các tàu lớn, và việc xử lý hàng hóa của họ không có hiệu quả như ở Singapore. Điều đó đã giúp củng cố vị trí của trung tâm vận chuyển của Singapore đưa hàng hoá đến những nơi khác trong khu vực.
Vị thế của Singapore đang lung lay?
Nhưng những ngày mà Singapore giữ trị trí số 1 không thể tranh cãi đang chuẩn bị kết thúc. Năm ngoái, quốc gia này đã xử lý khoảng 31,68 triệu container 20-feet, đứng vị trí thứ 2 trên toàn thế giới, sau cảng Thượng Hải. Tuy nhiên, theo Diễn đàn của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, con số của năm 2016 chỉ cao hơn 8,6% so với năm 2010, một mức tăng trưởng nhỏ nếu đặt trong bối cảnh khối lượng hàng hóa trên thế giới tăng 27,6% so với cùng kỳ.
Cảng Singapore. Ảnh: Theloadstar
Trong thời kỳ đó, giá trị hàng hóa thương mại ở Đông Nam Á đã tăng hơn 11% khi các công ty chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác do chi phí nhân công tại Đại lục tăng lên. Khối lượng lưu thông container tại Indonesia tăng 53,7%, trong khi tại Philippines và Việt Nam đều tăng hơn 40%.
Các cảng gần Singapore ngày càng giành thêm lưu lượng container. Các cảng này đã và đang nâng cấp cơ sở vật chất của mình với các thiết bị hiện đại để giúp ích cho việc vận chuyển thông suốt của các nhà sản xuất, khiến cho việc chuyển tải qua Singapore trở nên bớt cấp thiết hơn.
Đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia, Thái Lan và Malaysia thông qua dự án “Một Vành đai, một con đường” cũng có thể phá vỡ thế mạnh và vị trí chiến lược của Singapore.
Tất cả các nước ASEAN đều muốn gia tăng vị thế trong ngành vận tải biển
Một đối thủ lớn khác của Singapore trong cuộc cạnh tranh này là Indonesia, quốc gia chiếm 40% GDP của ASEAN. Quốc gia xứ vạn đảo có kế hoạch chi 3 tỉ USD để phát triển cảng ở tỉnh Tây Java, cách Jakarta 100 km. Khu vực này có một khu công nghiệp, nơi nhiều công ty, bao gồm Toyota, đang hoạt động.
Mục tiêu lại cũng là thiết lập một trung tâm trung chuyển hàng hóa, tạo ra những tuyến đường mới và bỏ qua Singapore.
Tại Việt Nam, dự án cảng Lạch Huyện tại Hải Phòng (trị giá 1,06 tỷ USD) đang được gấp rút hoàn thiện. Cảng mới này có độ sâu gấp đôi so với các cảng chính hiện tại của Việt Nam, cho phép các tàu lớn cập cảng. Dự kiến, cảng biển này sẽ hoạt động một phần tháng 5.2018. Đây là một dự án được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư. Nguồn vốn cho dự án sẽ đến từ vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ. Tập đoàn Itochu Nhật Bản sẽ giúp vận hành cảng.
Dự án Cảng Lạch Huyện. Ảnh: Đại học Hàng hải Việt Nam
Cảng vụ Thái Lan có kế hoạch chi hơn 2,5 tỷ USD thông qua hợp tác công tư để mở rộng cảng tại tỉnh duyên hải phía Đông Chonburi, và nâng công suất lên bằng 130% công suất hiện tại vào năm 2022.
Singapore đang đối mặt với những gì đã xảy ra với Hồng Kông vào đầu thế kỷ XXI. Hồng Kông đã từng là cửa ngõ hàng hải chính của Trung Quốc và cảng hàng đầu thế giới về lưu thông container. Nhưng nó đã bị vượt qua bởi Thượng Hải vào năm 2007 và bây giờ bị cả Thâm Quyến và Ningbo vượt qua. Sự quay lưng với cảng biển ở Hồng Kông đã được thúc đẩy bởi sự quá trình công nghiệp hóa ở đông nam Trung Quốc, và sau đó lan rộng ra khắp đất nước.
Sự nổi lên của các hải cảng khác ở Đông Nam Á có thể báo hiệu sự kết thúc thời kì thống trị lâu dài của hải cảng ở Singapore trong khu vực. Quốc gia này đang nỗ lực ngăn chặn xu hướng này với một kế hoạch mở rộng quy mô hiện tại và nỗ lực để nâng hiệu quả vận hành lên cao hơn nữa. Singapore đã bắt đầu mở rộng cơ sở vật chất của cảng trung tâm, điều mà một số người than phiền là nó quá hẹp và xây dựng một cơ sở mới gần một khu công nghiệp ở phía Tây Singapore. Tổng công suất hàng hóa của Singapore dự kiến sẽ tăng 50% so với mức hiện tại khi giai đoạn đầu tiên của dự án hoàn thành vào nửa đầu năm 2020.
Trong một bài đăng trên Facebook vào ngày 16.10, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng cảng mới "sẽ củng cố vị thế trung tâm hàng hải quốc tế của chúng ta. Chúng ta phải làm tất cả để có thể giúp việc vận chuyển diễn ra trơn tru".
Bá Ước
Theo Nhipcaudautu.vn
Đọc nguyên bài viết tại :
ASEAN đe dọa vị thế thống lĩnh cảng biển của Singapore
Nhận xét
Đăng nhận xét