Nhận hối lộ hay giả mạo trong công tác?
Nhận hối lộ hay giả mạo trong công tác?
Công Minh
(TBKTSG) - Cách đây không lâu Cơ quan điều tra Bộ Công an ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố bảy cán bộ tại Tổng cục Thủy sản về tội giả mạo trong công tác.
Hành vi của các cán bộ này là làm giả hồ sơ giấy tờ để đưa thêm hàng trăm sản phẩm vào danh mục thức ăn nuôi trồng thủy sản và chất xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản được phép sử dụng tại Việt Nam.
Mỗi sản phẩm như vậy, các cán bộ thu từ 5-25 triệu đồng tùy loại, tổng số tiền lên đến 7,3 tỉ đồng. Số tiền này đã được các cán bộ trên chia nhau.
Hành vi như vậy, chiếu theo Bộ luật Hình sự năm 1999 thì thuộc vào nhóm tội danh tham nhũng thuộc mục A chương XXI. Có hai tội danh có thể được xác định ở đây là Tội nhận hối lộ (điều 279) và Tội giả mạo trong công tác (điều 284).
Hành vi của các cán bộ trên có thể được quy vào cả hai tội trên, và cơ quan điều tra đã đề nghị khởi tố theo điều 284 - Tội giả mạo trong công tác.
Người viết cho rằng, đề nghị trên của cơ quan điều tra là chưa thực sự chính xác, chưa phản ánh đúng bản chất hành vi phạm tội của các cán bộ.
Mặc dù về hình thức, hành vi của các cán bộ mang yếu tố “sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu”, các cán bộ cũng thực hiện hành vi này dựa trên cơ sở “lợi dụng chức vụ quyền hạn” và cũng có động cơ “vì vụ lợi”. Do đó, thoạt nhìn qua thì thấy rằng các hành vi này hoàn toàn khớp với tội giả mạo trong công tác.
Tuy nhiên, sự khác biệt chủ yếu giữa hai tội danh này nằm ở giá trị tài sản. Tội nhận hối lộ xác định rất rõ giá trị tài sản từ 500.000 đồng trở lên còn tội giả mạo trong công tác thì chỉ ghi là “vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác”.
Tội nhận hối lộ cũng có mức phạt nặng hơn, ngay khoản 1 đã có mức cao nhất là bảy năm tù và các khoản sau có thể lên đến tử hình. Còn tội giả mạo trong công tác có mức phạt thấp hơn, khoản 1 tối đa là năm năm tù và cao nhất cũng chỉ là 20 năm tù.
Theo tôi, ngụ ý của nhà làm luật ở đây là, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng có thể xác định chính xác số tiền người phạm tội nhận được và có giá trị đủ lớn, thì phải quy vào tội nhận hối lộ, còn nếu động cơ phạm tội không phải vì tiền cụ thể mà chỉ “vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác” thì mới truy cứu theo điều 284 - Tội giả mạo trong công tác.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã xác định được giá trị của từng lần xin đưa sản phẩm vào danh mục, xác định được tổng số tiền các cán bộ nhận được và mục đích sử dụng số tiền đó là cho mỗi cá nhân, thì phải định tội danh là nhận hối lộ, không thể định tội danh là giả mạo trong công tác.
Việc thay đổi tội danh này có thể sẽ giúp các cán bộ chịu mức hình phạt thấp hơn. Tội giả mạo trong công tác có các mức tăng nặng định khung chủ yếu dựa vào yếu tố hậu quả và trong những vụ việc như thế này, sẽ rất khó xác định được hậu quả. Trường hợp cao nhất, các cán bộ sẽ bị truy cứu theo khoản 2, điều 284 với mức phạt từ 3-10 năm tù với tình tiết có tổ chức và phạm tội nhiều lần.
Tội nhận hối lộ lại chủ yếu định khung theo giá trị tài sản hối lộ. khoản 4, điều 279 quy định nếu của hối lộ có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên thì hình phạt là tù 20 năm, chung thân, hoặc tử hình.
Việc thay đổi tội danh không những giúp giảm nhẹ hình phạt cho các cán bộ mà còn làm giảm tính răn đe của việc xử lý vụ án này. Các cán bộ khác đang thực hiện công việc của mình có thể sẽ hiểu rằng: Nếu giấy phép được cấp dựa trên giấy tờ giả mạo thì mới bị xử lý, còn nếu giấy tờ không giả mạo thì dù có nhận tiền để cấp giấy phép thì cũng sẽ không sao.
Từ đó, vụ việc có thể sẽ phát đi thông điệp đối với các cán bộ khác là chỉ cần làm đủ hồ sơ là được, còn nhận tiền để cấp phép thì vẫn thoải mái.
Mô tả hành vi của hai tội này như sau: Tội nhận hối lộ: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 10 triệu đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2-7 năm: a) Gây hậu quả nghiêm trọng; b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Tội giả mạo trong công tác: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 1-5 năm: a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; b) Làm, cấp giấy tờ giả; c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. |
Tham khảo bài nguyên mẫu tại đây :
Nhận hối lộ hay giả mạo trong công tác?
Nhận xét
Đăng nhận xét